Nông sản Việt trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ

Ngày đăng: 23-01-2019 | Khoảng 6 năm trước | 1:58 PM | 22009 Lượt xem
Sau năm tháng xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của nước ta đang chậm lại. Vậy đâu là những nguyên nhân đích thực?
 
Trung Quốc trở thành “túi đựng” của không ít mặt hàng nông sản Việt Nam từ nhiều năm nay. Ảnh: Thành Hoa

Tuy mất ngôi vị thị trường xuất khẩu số 1 của nhóm hàng nông sản sau 14 năm nắm giữ (2001-2014), nhưng Mỹ vẫn rất vững chắc ở vị trí thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta từ năm 2015 trở lại đây. Sở dĩ như vậy là do đây chính là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất ở những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của nước ta, điển hình là gỗ và sản phẩm gỗ với tỷ trọng 36-44%, điều nhân với tỷ trọng 32-37%, hay thấp hơn là thủy sản cũng chiếm trên dưới 20%...
 
Cũng từ năm 2011, sau khi lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của nước ta, hầu như Trung Quốc liên tục duy trì được vị trí này, thậm chí trở thành “túi đựng” không ít mặt hàng nông sản rất quan trọng của Việt Nam từ nhiều năm nay. Điển hình là mặt hàng sắn và sản phẩm sắn với tỷ trọng trên dưới 90%, rau quả với tỷ trọng 65-76%, cao su với tỷ trọng 43-66%, hay khiêm tốn hơn như gạo cũng chiếm 30-39%...
 
Trong điều kiện như vậy, hiển nhiên là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc không thể không ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam.
 
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản đang chậm lại
 
Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm tháng diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đạt 109,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 12 tỉ đô la Mỹ, tương ứng với tỷ lệ tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn rất rõ ràng so với tỷ lệ tăng 16,9% trong sáu tháng đầu năm.
 
Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, hai con số tương ứng là 105,1 tỉ đô la Mỹ và 13,3 tỉ đô la Mỹ, tương ứng với tỷ lệ tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 9,6% trong sáu tháng đầu năm.
 
Những biến thiên trái chiều nhau nói trên có nghĩa là, trong khi “đoàn tàu xuất khẩu” chạy chậm lại thì “đoàn tàu nhập khẩu” lại tăng tốc.
 
Trong đó, tình hình xuất nhập khẩu hàng nông sản còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Cụ thể, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu năm tháng vừa qua chỉ đạt gần 15,8 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng gần 400 triệu đô la Mỹ, tức tăng 2,5% so với cùng kỳ, thì nhập khẩu tăng tới hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ, tức 17,4%.
 
Thị trường Trung Quốc và Mỹ cùng là “thủ phạm chủ yếu” dẫn đến tình trạng nói trên.
 
Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm tháng vừa qua chỉ đạt hơn 3,6 tỉ đô la Mỹ, giảm gần nửa tỉ đô la Mỹ, tương ứng với tỷ lệ giảm 11,7%, và ngược lại, nhập khẩu đạt hơn 700 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 200 triệu đô la Mỹ, tương ứng với tỷ lệ tăng 38,9%.
 
Bên cạnh đó, tuy tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn đạt gần 3,5 tỉ đô la Mỹ, cho nên vẫn tăng mạnh gần nửa tỉ đô la Mỹ, tức 15,7%, nhưng nhập khẩu cũng đã đạt gần 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 740 triệu đô la Mỹ, tức tăng tới 87,9%.
 
Như vậy, tính chung lại, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hai nước này trong năm tháng vừa qua đã “giậm chân tại chỗ” ở mức hơn 7,1 tỉ đô la Mỹ như cùng kỳ năm 2017 nhưng ngược lại, nhập khẩu đã tăng hơn 950 triệu đô la Mỹ, tức tăng tới 69,2%.
 
Những điều nói trên cũng có nghĩa là, kim ngạch và tỷ lệ tăng rất khiêm tốn trong xuất khẩu hàng nông sản của nước ta trong năm tháng vừa qua là do khu vực các thị trường còn lại mang lại.
 
Do vẫn còn chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong “rổ hàng hóa xuất khẩu” hiện nay (16,6%), cho nên hàng nông sản đã đóng vai trò của “chiếc phanh hãm đoàn tàu xuất khẩu” chạy chậm lại trong năm tháng vừa qua.
 
Tổng hòa của nhiều nguyên nhân
 
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi có thêm những lý do khác:
 
Thứ nhất, chí ít có tới ba phần tư trong mức giảm 460 triệu đô la Mỹ của tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm tháng qua do những tác nhân nằm ngoài tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
 
Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy, việc kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này năm tháng vừa qua chỉ đạt gần 200 triệu đô la Mỹ, giảm tới hơn 220 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm 2017 là do Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu, rõ nhất là việc tăng thuế gạo nếp chín lần, tổng cộng là 50%, khiến chúng ta bị bế tắc do không tìm được các thị trường thay thế.
 
Tiếp theo, đối với mặt hàng sắn và sản phẩm sắn, nguyên nhân của việc kim ngạch xuất khẩu giảm tới hơn 70 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái là do Trung Quốc giảm mạnh khối lượng nhập khẩu, và chúng ta cũng hầu như không thể tìm kiếm được thị trường thay thế.
 
Trong khi đó, mức giảm hơn 40 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái ở mặt hàng cao su lại diễn ra theo một kịch bản rất khác. Đó là, trong năm tháng qua, mặc dù chúng ta đã tăng mạnh lượng cao su xuất khẩu lên 560.000 tấn, tức là đã tăng 65.000 tấn, nhưng bình quân giá xuất khẩu mặt hàng này năm tháng qua đã giảm chỉ còn 1.283 đô la Mỹ/tấn, tức đã giảm 241 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng giảm kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng nông sản khác vào thị trường này trong năm tháng qua.
 
Thứ hai, đối với thị trường Mỹ, việc tăng mạnh nhập khẩu hàng nông sản từ Mỹ tới 740 triệu đô la Mỹ bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau sau đây:
 
Việc tăng nhập khẩu bông từ thị trường Mỹ tới 134 triệu đô la Mỹ, chiếm xấp xỉ 70% tổng mức tăng của mặt hàng này từ thị trường thế giới (tính theo giá trị) là do giá bông nhập khẩu từ thị trường này trong năm tháng qua chỉ 1.865 đô la Mỹ/tấn, “mềm” hơn rất nhiều so với giá bình quân 2.135 đô la Mỹ/tấn của tất cả các thị trường còn lại.
 
Theo một kịch bản khác, nhập khẩu đậu nành và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ thị trường Mỹ tăng tổng cộng 458 triệu đô la Mỹ là do tác động của “cuộc chiến đậu nành Mỹ - Trung”. Ở đây là do hàng Mỹ bị “ế”, giá “mềm”, cho nên các doanh nghiệp đã tranh thủ tăng nhập từ Mỹ, đồng thời giảm nhập, hoặc hạn chế tăng nhập từ các thị trường khác.
 
Còn việc chúng ta có thể tăng mạnh xuất khẩu 188 triệu đô la Mỹ ở mặt hàng thủy sản và tăng 349 triệu đô la Mỹ ở mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào Mỹ là do những mặt hàng này có sức cạnh tranh, cho dù có chịu ảnh hưởng một phần nào đó của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
 
Thứ ba, những diễn biến trái chiều trong xuất nhập khẩu hàng nông sản năm tháng qua còn bắt nguồn từ nguyên nhân chung là giá hàng xuất khẩu giảm, còn giá hàng nhập khẩu lại tăng.
 
Xuất khẩu nông sản 2018 lập kỷ lục

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2018 đạt  40 tỉ đô la Mỹ. Đây là kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, đưa nước ta đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản.

Theo Bộ NN-PTN, năm thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%).
 
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes)
 Chia sẻ
 Từ khóa ,