Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên bấp bênh: Loay hoay tìm thị trường

Ngày đăng: 17-12-2015 | Khoảng 10 năm trước | 2:04 PM | 3020 Lượt xem
Cây trà và cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Tây Nguyên, góp phần cải thiện đời sống, làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trong khu vực. Nhưng thị trường xuất khẩu hai mặt hàng này không ổn định, luôn ở trong tình trạng “bấp bênh’’ vì lối đi thiếu bền vững.
 
Trước thực trạng tiêu thụ sản phẩm gặp khó do chỉ phụ thuộc vào một số thị trường quen thuộc, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm kiếm thị trường mới. Nhưng để có được đầu ra ổn định cho sản phẩm hiện vẫn là bài toán khó.
 
Trà Việt tồn kho
 
Theo báo cáo chưa đầy đủ, đến tháng 10-2015, số lượng trà thành phẩm tồn kho trong các doanh nghiệp tại Lâm Đồng là gần 5.000 tấn. Hơn một tháng sau khi tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị tìm đầu ra cho ngành trà, tình hình tiêu thụ trà tại đây vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tại Công ty TNHH Trà Phú Toàn (thôn 11, xã Đamb’ri, TP Bảo Lộc), khung cảnh vắng vẻ bao trùm các dãy nhà xưởng. Ông Teng Chao Chuan, Giám đốc Công ty Trà Phú Toàn, Trưởng Thư ký Chi hội Thương mại Chè Đài Loan tại Việt Nam, cho biết: “Hiện công ty đã phải cho hơn nửa trong số 100 lao động nghỉ việc vì hàng làm ra chưa biết xuất đi đâu. Chúng tôi đã phải dừng thu mua tới 99%, bởi số lượng trà thành phẩm tồn kho của công ty đã hơn 50 tấn rồi”.
 
Thu hoạch trà Ô long tại Lâm Đồng

DN ngưng thu mua, người dân phải đem trà Ô long chất lượng cao đi “gõ cửa” tại các điểm thu mua. Ông Ninh Anh Cường (thôn 12, xã Đamb’ri) cho biết, sau khi công ty ngừng thu mua trà Ô long, gia đình ông phải chạy khắp nơi bán nhưng bị ép giá xuống còn 20.000 đồng/kg trà tươi (trước đây giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg). Theo đánh giá của các thành viên của Chi hội Thương mại Chè Đài Loan tại Việt Nam, sau 16 năm thành lập, đây là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đầu tư vào cây trà tại Việt Nam.
 
Phơi cà phê ở Đắk Lắk
 
Sau khi nhận văn bản đề nghị phối hợp tìm đầu ra sản phẩm trà của UBND tỉnh Lâm Đồng, ngày 11-11 vừa qua, Hiệp hội Chè Việt Nam đã tổ chức họp tại Hà Nội tìm hướng giải quyết ngắn và dài hạn. Ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho hay: “Trước mắt, thị trường Tết Nguyên đán 2016 sẽ cần rất nhiều sản phẩm trà Ô long sử dụng làm quà tết. Về lâu dài, các doanh nghiệp sản xuất trà Ô long cần quảng bá, tiếp cận thị trường nội địa bằng cách làm sao giảm giá thành xuống mức nhiều người có thể tiếp cận được”.
 
Vào ngày 31-12-2015, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), khi đó hàng hóa Việt Nam được tự do qua lại giữa các quốc gia thành viên, sản phẩm trà (bao gồm: trà Ô long, trà xanh, trà đen) sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường khoảng 600 triệu dân đầy tiềm năng. Ông Đoàn Trọng Phương nhận định: “Việc bỏ trứng vào một giỏ (tập trung trà vào một thị trường - PV) khi có biến động sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Câu chuyện xảy ra với đối tác Đài Loan vừa qua là bài học đắt giá cho ngành sản xuất trà của chúng ta, do không lường trước được những diễn biến phức tạp của thị trường đó’’.
 
Cũng theo ông Phương, bên cạnh các thị trường chính như Nga, Đài Loan và các nước Trung Đông, thời gian tới chúng ta cần mở rộng thị trường xuất khẩu trà ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Nếu muốn xuất sang thị trường mới phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường đó đề ra. “Tính từ đầu năm đã có hơn10 tấn trà của Công ty TNHH Chè Vina Suzuki, trụ sở tại Di Linh (Lâm Đồng) sản xuất theo hướng hữu cơ được xuất sang Đức, đây là tín hiệu cho thấy trà Việt Nam đã tiếp cận được thị trường châu Âu”, ông Phương cho biết thêm.
 
Cà phê gặp khó
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn Tây Nguyên cũng gặp khó khăn trong thu mua xuất khẩu khi người dân “găm hàng’’.
 
Bước vào vụ thu hoạch cà phê 2015-2016, giá cà phê nhân xô trên địa bàn Tây Nguyên giảm xuống còn 34.000 đồng/kg, giảm khoảng 8.000 đồng/kg so với mức giá cao nhất của niên vụ 2014-2015. Nhiều chủ vườn cà phê vừa phải sốt sắng lo tìm người hái cà phê, vừa lo giải quyết số cà phê còn dự trữ. Bà Trần Thị Thúy (ở xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết: “Đầu năm nay, gia đình tôi có 7 tấn cà phê nhân xô nhưng vẫn mua thêm 5 tấn với giá 39.000 đồng/kg để trữ. Chúng tôi định chờ giá lên tới mức 45.000 đồng/kg là bán, nhưng bây giờ giá xuống thấp thế này thì phải tiếp tục chờ thôi’’. Không có vốn đầu tư cho vụ mới, nhiều hộ trồng cà phê ở xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) đang phải bán bớt số cà phê dự trữ với giá thấp để lấy tiền thuê nhân công thu hái cà phê và mua phân bón.
 
Vào đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Tây Nguyên cũng mua trữ cà phê chờ giá cao để bán và bị thua lỗ. Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Phát Phú (trụ sở tại xã Trà Đa, TP Pleiku, Gia Lai), cho biết: “Trong vụ thu hoạch cà phê vừa qua, công ty thu mua 400 tấn nhân với giá 41.000 đồng/kg. Sau đó đã ký gửi có thời hạn gần 200 tấn cho các công ty lớn và nhận số tiền chỉ bằng 70% mức giá tại thời điểm đó. Khi hết thời hạn 3 tháng ký gửi cũng là lúc giá cà phê trên thị trường giảm mạnh, công ty tự động điều chỉnh ở mức giá 34.000 đồng/kg. Như vậy chúng tôi đã lỗ một khoản không nhỏ’’.
 
Việc người dân Tây Nguyên  mua trữ cà phê đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng xuất khẩu cà phê của khu vực này khi các doanh nghiệp xuất khẩu không mua được đủ hàng. Theo ông Đỗ Văn Hùng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Thị trường của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, niên vụ này nhiều công ty xuất khẩu cà phê ở tỉnh Đắk Lắk gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê nhân xô để xuất khẩu.
 
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết thêm: Xuất khẩu cà phê của tỉnh niên vụ này đạt thấp nhất cả về sản lượng và kim ngạch. Nguyên nhân chủ yếu do tiếp tục ảnh hưởng từ sự suy thoái nền kinh tế, khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước tưới bị thiếu hụt... Trong lúc đó, giá cà phê giảm sâu từ tháng3 đến cuối niên vụ làm người dân hạn chế bán ra và doanh nghiệp thiếu nguồn hàng xuất khẩu.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, niên vụ cà phê 2014 - 2015, tỉnh xuất khẩu được 177.097 tấn cà phê nhân, giảm 51.271 tấn (giảm 22,4%) so với niên vụ trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 364,139 triệu USD, giảm 140.296 triệu USD (giảm 27,8%). Còn tại Gia Lai, tính đến hết tháng 7 năm nay, sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt gần 65.000 tấn, giảm 64% về lượng và giảm đến 66% về giá trị so với cùng kỳ.
 
Đoàn Kiên - Công Hoan (Báo Sài Gòn Giải Phóng)
 Chia sẻ