Bộ NN&PTNT kiên quyết 'siết' quản lý thuốc bảo vệ thực vật

Ngày đăng: 17-11-2015 | Khoảng 10 năm trước | 1:44 PM | 3622 Lượt xem
Mặc dù đã có 40 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ký tên phản đối Thông tư 21 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mới ban hành, nhưng người đứng đầu bộ này cho hay con số doanh nghiệp phản đối vẫn chưa phải đa số và xin Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời tại phiên chất vấn - Ảnh: TTXVN

Đây là thông tin làm nóng hội trường Quốc hội tại phiên chất vấn các bộ trưởng diễn ra ngày 16-11 tại Hà Nội.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết  (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Điều 5, Khoản 5, Mục b của Thông tư 21 quy định tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật, song đa số doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật đã đề nghị bỏ quy định này.
 
Thậm chí, sau khi Thông tư được ban hành từ đầu tháng 6-2015 cho đến nay, có hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam và hội sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã tiếp tục gửi kiến nghị đến Bộ trưởng đề nghị bỏ thực hiện quy định trên.
 
“Như chúng ta biết, một hoạt chất có thể bào chế được nhiều dạng thành phẩm và liều lượng khác nhau và có những công dụng khác nhau. Hơn nữa, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật không giới hạn về điều kiện này, do đó quy định giới hạn này chưa thống nhất với tinh thần của luật,” ông Tuyết giải thích.
 
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phát cho hay, trước khi Thông tư này ban hành ở nước ta đã cho lưu hành 4.100tên thuốc bảo vệ thực vật với 1.700 hoạt chất. Số lượng này quá nhiều, bà con nông dân gặp khó khăn, cán bộ quản lý cũng gặp khó khăn khi chọn thuốc cho những bệnh và những cây trồng của mình.
 
Con số 4.100 này cũng có nghĩa là với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng có rất nhiều loại thuốc khác nhau và nhiều khi thì hàm lượng cũng chỉ chênh nhau một chút hoặc người ta cho thêm một chút gì đó vào và đặt một tên khác. Có trường hợp thuốc bị xuống cấp lại đổi tên. Trong đó, phần lớn tên thuốc ngay cả cán bộ chuyên ngành cũng rất khó nhớ.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng bỏ quy định e là sẽ làm rối loạn và khó khăn cho nông dân và khó khăn cho các cơ quan quản lý. “Tất nhiên, trước khi ban hành theo đúng quy định của luật pháp chúng tôi đã thảo luận lấy ý kiến, bây giờ cũng còn biên bản của các cuộc họp, tôi cũng nhận được những ý kiến phản hồi như đại biểu đã nêu nhưng 40 (doanh nghiệp phản đối) cũng chưa phải là đa số,” Bộ trưởng Phát nói.
 
Bộ trưởng Phát sau đó cũng hứa sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, xem xét kỹ các ý kiến của các doanh nghiệp, nhưng vẫn trên tinh thần siết chặt quản lý để đảm bảo lợi ích của người dân và điều này cũng liên quan rất lớn đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Không bằng lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Phát, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục truy vấn, nếu 40 doanh nghiệp mà Bộ trưởng bảo chưa nhiều thì bao nhiêu mới là nhiều để Bộ trưởng xem xét. Hơn nữa, quy định hạn chế như vậy không thống nhất với tinh thần của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. “Không biết thông tư sẽ cao hơn luật hay luật cao hơn thông tư,” ông Tuyết nói.
 
Tương tự đối với phân bón, hiện cả nước cũng có đến hơn 5.000 tên các loại phân bón như vậy. Có đại biểu đã từng nói phải giảm xuống, Bộ trưởng bảo rất khó, mỗi giai đoạn, mỗi loại cây trồng phải dùng khác nhau. Tương tự thuốc cũng vậy, thuốc cùng một tên là Penicillin nhưng với mỗi độ tuổi, bệnh nặng, bệnh nhẹ dùng hàm lượng khác nhau. “Bây giờ khống chế như thế này thì đúng là tôi không hiểu nổi. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề đó,”đại biểu Tuyết nói.
 
Mặc dù đại biểu Tuyết đưa ra lập luận khá thuyết phục, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân lại tỏ ra khá đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Phát. Ông Quân cho hay, mỗi sâu bệnh là phải dùng thuốc khác nhau, vì thế mới có 4.100 loại. Tuy nhiên, phải siết chặt lại để giúp cho nông dân có được thuốc tốt và sử dụng có hiệu quả.
 
“Bây giờ chúng ta thả ra quá rộng rãi thì cũng không giúp ích nhiều. Chúng tôi đã tính đến yếu tố là cần phải có sự cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp đăng ký 1 tên và có tới 1.700 hoạt chất. Trong số 1.700 hoạt chất đấy, mỗi doanh nghiệp lại đăng ký 1 tên thì cũng đã là rất nhiều,” Bộ trưởng Quân nói.
 
Cấm sử dụng chất Vàng O trong chăn nuôi gia súc gia cầm

Ngày 16-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư Danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là các chất Vàng O, lâu nay chủ yếu được sử dụng trong chăn nuôi gia cầm.

Theo Thông tư 42/2015/TT-BNNPTNT, có thêm năm loại hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi là Vat Yellow (Vàng-O) 1, còn có tên gọi khác là flavanthrone, flavanthrene, sandothrene; Vat Yellow 2 (tên gọi khác là Indanthrene); Vat Yellow 3 (tên gọi khác Mikethrene); Vat Yellow 4 (tên gọi khác Dibenzochrysenedione, Dibenzpyrenequinone); và Auramine (tên gọi khác yellow pyoctanine, glauramine) và các dẫn xuất của Auramine.

Thông tư này có hiệu lực ngay từ ngày 16-11.

Trước đó, thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát hiện một hóa chất mới có trong thức ăn gia cầm có tên gọi là "vàng O" ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và có khả năng gây bệnh ung thư. Chất này được người chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà

Thực tế, vàng O là hóa chất nhập khẩu từ nước ngoài, dùng để nhuộm màu sợi vải hoặc làm nguyên liệu quét tường trong ngành xây dựng. Chất này được trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu sắc hấp dẫn cho cả thức ăn cũng như sản phẩm thịt, chủ yếu là trong chăn nuôi gà, và chất này hầu như không bị phân giải trong quá trình sinh trưởng của vật nuôi.
 
Thùy Dung (thesaigontimes.vn)
 
 Chia sẻ