“Không phải rau, thịt nào cũng bẩn.. chỉ là do người dân quá lo”
Tin tức mới nhất sáng nay (17/11), Bộ trưởng NN&PTNN trả lời nhiều vấn đề mà các cử tri quan tâm đặc biệt đó là sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho hay: “Chúng tôi đã phát hiện và công bố cho các đại biểu Quốc hội số liệu: 9 tháng đầu năm nay có 1% thủy sản, 10% rau, 7 % thịt có dư lượng vượt phép. Nhưng vấn đề là nhân dân không biết đâu là chỗ an toàn và không an toàn nên cứ có cảm giác là tất cả đều không an toàn hết. Tuy nhiên, rõ ràng là những con số tôi nên là cao, vì thế chúng tôi thấy rằng cần phải nỗ lực để giảm và khiến nhân dân có thể phân biệt được thực phẩm an toàn và không an toàn".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát trả lời tại Quốc hội sáng nay.
|
Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát không phải do thiếu quyết tâm. Trong khi đó về mặt cơ sở pháp lý thì cũng đã có luật, nghị định và quyết định, thông tư... Khâu yếu là việc triển khai hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu người nông dân sản xuất vật tư, nông lâm thủy sản chưa đủ sâu rộng để tạo ra sự chuyển biến căn cơ.
Bộ trưởng cũng cho rằng bộ máy và nguồn lực thực hiện còn hạn chế. “Các đồng chí ở các địa phương tôi cũng có gặp và hỏi vì sao thực hiện công việc chưa được như mong đợi thì anh em nói nhiều lý do trong đó có việc “mỏng” người. Ví như chi cục ở Tuyên Quang có 7 người, ở Bình Dương có 10 người. Cấp huyện, xã hầu như chưa có cán bộ chuyên”.
Ngân sách cũng hạn chế. Vì thế chúng tôi tiếp tục thực hiện 5 khâu công việc. Và đang triển khai rất quyết liệt. Tình trạng cũng giảm đi đáng kể, trước đây là 16% thì nay chỉ còn 3-4% mẫu thức ăn dương tính với chất cấm.
Mạnh tay xử phạt vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm
Cần có sự phối hợp với ngành, cấp các đoàn thể. Dùng chất cấm, phun thuốc bừa bãi không thể qua mắt được nhân dân, đoàn thể. Đặc biệt cần hoàn thiện hệ thống pháp lý. Trong hôm nay tôi cũng xin kiến nghị với Quốc hội xem xét sử đổi điều 125 và điều 144 Bộ luật hình sự để có cơ sở pháp lý mạnh xử lý vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 125 quy định sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Chất cấm như Xanh-bê-ta môn là chất cấm trong chăn nuôi nhưng lại có thể dùng để chữa bệnh khác. Chất Vàng ô cũng cấm trong chăn nuôi, khi cho con gà ăn thì thịt nó sẽ có màu vàng khiến người tiêu dùng thích. Chất này gây ung thư nhưng trong công nghiệp thì lại dùng nó để làm chất nhuộm. Trong luật, điều 125 chưa quy định rõ.
Trong điều 144, nếu buôn bán thực phẩm độc hại gây thiệt hại tính mạng, tức là phải lăn ra chết thì mới bị xử lý. Ăn thực phẩm ít khi nào mà lại gây ra như thế. Chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng kiến nghị tăng mạnh mức xử phạt hành chính với những trường hợp cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Thành Huế