Hàng nghìn hécta lúa có nguy cơ mất trắng

Ngày đăng: 18-11-2015 | Khoảng 10 năm trước | 8:17 AM | 24175 Lượt xem
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến trung tuần tháng 11/2015, các huyện Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng gieo trồng hơn 57.525 ha lúa mùa trên nền đất tôm theo mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa, đạt 91,3% kế hoạch.
 
Tuy nhiên, hiện hàng chục nghìn hécta lúa mùa ở 3 huyện Vĩnh Thuận, An Biên và An Minh bị ảnh hưởng nước mặn nghiêm trọng, trong đó hàng nghìn hécta đã bị mất trắng, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
 
Lúa chết do bị nhiễm mặn
 
Bên trà lúa hơn 30 ngày tuổi bị chết trắng, nông dân Phan Thanh Ẩn ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Vụ lúa mùa này, gia đình tôi cấy giống lúa F1 trên nền đất tôm diện tích 6 ha, với tổng chi phí sản xuất hơn 30 triệu đồng, nhưng giờ thì không còn sống được bụi lúa nào, thiệt hại 100%".
 
Ruộng lúa của ông Phan Thanh Ân bị chết trắng.

Trước khi cấy, ông Ẩn đã cho rửa mặn, làm đất, vệ sinh đồng ruộng theo hướng dẫn, tập huấn của Phòng Nông nghiệp huyện và tuân thủ lịch thời vụ xuống giống. Tuy nhiên, do lượng mưa năm nay ít, thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, thiếu nước ngọt rửa mặn, nước mặn xâm nhập sớm vào kênh mương, đồng ruộng. Vì vậy, sau khi cấy khoảng 15 - 20 ngày, lúa không nở bụi, phát triển như vụ mùa năm trước. Để cứu lúa, gia đình ông đã bơm nước mặn ra, bón phân và chờ trời mưa xuống cho lúa hồi phục, phát triển trở lại, nhưng nắng nóng tiếp tục kéo dài làm lúa chết.
 
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận gieo cấy 7 ha lúa mùa trên nền đất tôm, với tổng vốn đầu tư sản xuất hơn 52 triệu đồng, đến nay lúa gần như chết hoàn toàn, không còn khả năng cứu lúa.
 
“Nhìn lúa trên đồng “ngâm mình” trong biển mặn mà xót xa. Bơm nước mặn ra cứu lúa nhưng thiếu nguồn nước ngọt bơm vào đồng ruộng vì kênh rạch bên ngoài hầu như bị nhiễm mặn. Nông dân trồng lúa vùng này chưa bao giờ phải chịu cảnh lúa chết như vụ mùa năm nay”, ông Dũng nói.
 
Ông Trịnh Tài Mon, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, cho biết đến thời điểm trung tuần tháng 11 này, toàn huyện gieo cấy lúa mùa trên nền đất tôm 13.862 ha/15.500 ha, diện tích còn lại không gieo cấy được do không có điều kiện rửa mặn triệt để. Hiện nay, tổng diện tích lúa bị thiệt hại 100%hơn 3.200 ha, diện tích lúa đang bị ảnh hưởng trên 10.000 ha. Nếu trong thời gian tới không có mưa thì diện tích lúa bị thiệt hại 100% tiếp tục tăng nhanh do nắng nóng làm cho nước mặn trên đồng ruộng cạn dần, nồng độ mặn tăng cao, lúa không sống nổi.
 
Xã Nam Thái, huyện An Biên gieo cấy gần 2.700 ha lúa mùa trên nền đất tôm, trong đó gần 1.500 ha lúa bị chết ngay sau khi gieo cấy, nhiều nông dân phải gieo cấy lại 2 - 3 lần nhưng lúa vẫn chết, bà con buộc phải bỏ hoang đồng ruộng chờ vào vụ cải tạo đất để nuôi tôm. Hiện, xã này còn khoảng 1.200 ha lúa có thể cho thu hoạch cuối vụ, nhưng năng suất sẽ giảm thấp.
 
Điều tra xâm mặn, chống hạn
 
Trước tình trạng lúa bị ảnh hưởng mặn và chết, tỉnh Tiền Giang khuyến cáo bà con trồng lại cây năn và cỏ trên những diện tích bị thiệt hại này nhằm tạo môi trường sinh thái tốt cho tôm, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thả con giống khi vào vụ tôm.
 
Để ứng phó với El Nino, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 và hè thu 2016 như: bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ sản xuất hợp lý, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trọng yếu, hướng dẫn nông dân áp dụng những biện pháp tưới tiết kiệm nước.
 
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho hay: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông chính, nhất là ở những kênh rạch chưa xây dựng cống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt để kịp thời thông báo cho các địa phương, bà con nông dân biết để chủ động ứng phó và sản xuất”.
 
Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cũng đã phối hợp với các địa phương, nhất là vùng ven biển triển khai phương án ngăn mặn, giữ ngọt như: đắp bờ đập, bồi trúc bờ bao, duy tu sửa chữa trạm bơm, nạo vét kênh mương nội đồng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng những công trình cống thủy lợi.
 
Bài và ảnh: Lê Huy Hải (Báo Tin Tức)
 
 Chia sẻ