Nhập nhèm phân bón khác

Ngày đăng: 04-05-2017 | Khoảng 9 năm trước | 1:41 PM | 7112 Lượt xem
Nghị định mới về quản lý phân bón kỳ vọng sẽ lập lại trật tự thị trường trước nạn phân bón giả, kém chất lượng tràn lan
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị để góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón (gọi tắt là Nghị định 202).
 
Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định 202 đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, việc coi nhẹ khảo nghiệm đã dẫn đến các sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng; thị trường tràn lan phân bón giả, kém chất lượng; nhiều sản phẩm không công bố hợp chuẩn, hợp quy vẫn lưu thông trên thị trường.
 
Do chủ yếu tập trung cho khâu hậu kiểm nên Nghị định 202 không kiểm soát được số lượng các cơ sở sản xuất phân bón. Đến nay, hơn 500 nhà máy sản xuất phân bón với 6.052 sản phẩm đang lưu hành. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định con số thực tế lớn hơn nhiều. Ngoài ra, nghị định hiện hành còn thiếu những quy định rõ ràng về quản lý ghi nhãn mác quảng cáo phân bón cũng như quy định về hướng dẫn sử dụng.
 
Các điều kiện để kinh doanh phân bón sắp tới sẽ được quy định chặt chẽ hơn. Trong ảnh: Tập kết sản phẩm phân bón để đưa ra thị trường Ảnh: Tấn Thạnh

 

Ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho rằng nhiều sản phẩm gọi là phân bón nhưng thực chất chỉ là vôi tôi, đá vôi… và quảng cáo rất hoành tráng, ghi công dụng như “thần dược” cho cây trồng.
 
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất phân bón Tiến Nông (Thanh Hóa), cho biết mỗi năm, ước tính nông dân cả nước phải chi khoảng 110.000 tỉ đồng mua phân bón nhưng rất nhiều trường hợp mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng. Vì thế, phải siết chặt quản lý ngay từ điều kiện sản xuất, không chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ công nghệ “cuốc xẻng”, làm giả, nhái các sản phẩm có thương hiệu uy tín.
 
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy đề nghị bỏ tên gọi “phân bón khác” trong nghị định mới. Ông băn khoăn: “Trên 90% sản phẩm trên thị trường hiện nay là phân hóa học, phân vô cơ, một phần nhỏ nữa là phân hữu cơ, phân vi sinh. Vậy “phân bón khác” thuộc nhóm nào, đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà được bao nhiêu?”.
 
Ông Văn Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lân nung chảy Văn Điển, cũng đề nghị bỏ mục “phân bón khác” và nên đưa vào mục chất cải tạo đất chứ không phải phân bón. Theo ông Sơn, chính quy định “phân bón khác” cũng như đưa chất cải tạo đất thành phân bón ở Nghị định 202 đã dẫn đến thị trường tràn ngập các sản phẩm đá vôi, vôi tôi, dolomit, cao lanh, đất sét… nhưng nghiễm nhiên ghi nhập nhèm giữa phân lân và phân trung vi lượng. Trong khi đó, hầu hết chất lượng các sản phẩm này rất kém, hàm lượng dinh dưỡng thấp, thậm chí gần như không có, gây thiệt hại lớn cho nông dân và khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
 
Dự thảo nghị định mới cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp - phải chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón kém chất lượng xảy ra trên địa bàn. Nội dung này được nhiều đại biểu đồng tình.
 
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định tinh thần của nghị định sau khi sửa đổi sẽ là quy định, quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc ghi nhãn mác, quảng cáo phân bón, không để tình trạng mỗi nơi một kiểu tràn lan như hiện nay. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hơn điều kiện đăng ký sản xuất, chất lượng sản phẩm; điều kiện kinh doanh phân bón, chế tài xử phạt và phân cấp rõ ràng cho các địa phương trên cơ chế có sự liên kết chặt chẽ với trung ương theo hệ thống, chứ không phải “phân cấp để phủi trách nhiệm cho bên dưới”.
 
Ban hành là áp dụng luôn

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 202 gồm 55 điều, 9 chương, 6 phụ lục. Dự kiến, sau khi lấy ý kiến góp ý ở khu vực miền Trung và phía Nam, trong tháng 6-2017, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thiện nghị định trình Chính phủ để ban hành. Để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nghị định thay thế Nghị định 202 sau khi ban hành sẽ áp dụng luôn, không cần thông tư hướng dẫn. Doanh nghiệp sẽ có 24 tháng để chuẩn bị thực hiện.
 
Văn Duẩn (Báo NLĐ)
 Chia sẻ
 Từ khóa ,