Phân bón làm từ gạch, đất, đá...

Ngày đăng: 17-11-2015 | Khoảng 10 năm trước | 1:51 PM | 5160 Lượt xem
Phân bón làm từ gạch, đất, đá nghiền; giả nhãn hiệu của các đơn vị uy tín; nhái bao bì các nhãn hiệu nổi tiếng… đang tràn lan trên thị trường, khiến người nông dân và cả doanh nghiệp làm ăn chân chính thiệt hại nặng nề.
 
Ông Võ Trung Trực (ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, H.Đồng Xuân, Phú Yên) bên những bao phân bón giả - Ảnh: Phương Nam

Tình trạng trên một lần nữa được cảnh báo tại Hội nghị Tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng, do Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương phối hợp Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí CTCP tổ chức hôm qua (13.11), tại tỉnh Bình Định. Tại hội nghị, đại diện Chi cục quản lý thị trường các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai... đều khẳng định phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường ngày càng tràn lan, rất khó kiểm soát. Đặc biệt là tại các tỉnh Tây nguyên, nơi trồng rất nhiều loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu... nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn nên tình trạng làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn ra ngày càng nhiều.
 
Sản xuất kiểu di động
 
Từ đầu năm đến nay, Chi cục quản lý thị trường Gia Lai tiến hành kiểm tra 104 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón thì đến 62 vụ có vi phạm các lỗi như: sản xuất phân bón không đạt mức chỉ tiêu định lượng bắt buộc so với mức công bố tiêu chuẩn, kinh doanh phân bón có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn...
 
Theo ông Lê Huy Vinh, Phó chi cục trưởng quản lý thị trường Gia Lai, hiện những người sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không sản xuất tập trung quy mô lớn như trước mà chuyển sang hình thức sản xuất theo cụm, che tạm các trại nhỏ, dùng “công nghệ” cuốc, xẻng trộn phân... để sản xuất vào ban đêm, các ngày nghỉ, không để hàng tồn kho nên dễ dàng đối phó khi bị kiểm tra. Hoặc trong quá trình sản xuất, các đơn vị giảm hàm lượng dinh dưỡng nhằm tạo giá thành sản phẩm thấp nhưng lại đem bán với giá cao. “Phân bón giả gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, rối loạn thị trường và giá cả phân bón, thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của nông dân, đến uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Vinh nhấn mạnh.
 
Một minh chứng sinh động là trong năm 2014, hàng trăm hộ nông dân trồng dưa hấu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên đồng loạt tố cáo các đại lý bán phân bón giả khiến quả dưa hấu nhỏ, kém chất lượng nên không xuất khẩu được. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định và Phú Yên đã điều tra, xác định Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Anh Trang (TP.Quy Nhơn, Bình Định) có bán 48 bao phân bón NPK giả một nhãn hiệu uy tín trên thị trường cho hộ trồng dưa hấu ở xã Xuân Quang 1 (H.Đồng Xuân, Phú Yên). Năm 2015, Chi cục quản lý thị trường Phú Yên cũng phát hiện, xử lý 3 trường hợp sản xuất, kinh doanh chất lượng phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố và 1 trường hợp sản xuất phân hữu cơ giả.
 
“Do nhu cầu phân bón tăng cao nên nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã làm phân bón giả. Họ dùng nguyên liệu là đất cao lanh, diatomite trộn thành phân NPK, sau đó đóng vào bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người tiêu dùng. Cũng có trường hợp cho phân bón kém chất lượng vào bao bì không in nhãn hiệu rồi chở đi nơi khác để pha chế thành phẩm...”, ông Phạm Ba, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Phú Yên, nói.
 
Ba bộ cần phối hợp
 
Theo ông Trần Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Bình Định, việc kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón, hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp không quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng quản lý thị trường. Trong khi lực lượng quản lý thị trường hiện vẫn còn mỏng, thiếu cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm tra kinh doanh phân bón, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra thiếu thốn thì phương thức, thủ đoạn buôn lậu, sản xuất phân bón giả ngày càng tinh vi…
 
“Quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm phân bón mất nhiều thời gian mới có kết quả, đôi khi kết quả kiểm nghiệm của các trung tâm không được các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón chấp nhận, do đó phải kiểm nghiệm lại. Vì vậy, chúng tôi rất khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là quyết định tạm giữ hàng hóa để xử lý. Đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương phải phối hợp với nhau để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón”, ông Lê Huy Vinh đề nghị.
 
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường, nhìn nhận tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón hiện còn diễn biến khá phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi và phương thức hoạt động liên tục thay đổi. “Các ngành chức năng của T.Ư đang tìm giải pháp bổ sung để hoàn thiện cơ chế, chính sách đấu tranh chống nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, bảo vệ người nông dân và sản xuất của doanh nghiệp chân chính”, ông Lam nói.
 
Theo các đại biểu tại hội nghị, hiện có 5 hình thức phân bón giả, gồm: hàng giả chất lượng (phân kali làm từ gạch nghiền, NPK từ đất, DAP từ đá nghiền...); hàng kém chất lượng (chất lượng thấp hơn mức quy định); hàng giả nhãn hiệu của các đơn vị uy tín; hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng (nhái bao bì, nhái các yếu tố nhận diện như tên doanh nghiệp, logo, nhãn hiệu, địa chỉ...); hàng giả hoàn toàn về chất lượng và nhãn hiệu.
 
Hoàng Trọng (Báo Thanh Niên)
 Chia sẻ
 Từ khóa dap dinh vu, dap lao cai,