Thê thảm sau bão
Cơn bão số 6 đã để lại những bi kịch đau lòng trên vùng đất bãi ngoài đê sông Cầu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Nhìn hàng chục ha nuôi trồng thủy sản, hàng trăm ha lúa, rau màu chìm trong biển nước sâu 2-3 m, những người nông dân chỉ còn biết ngồi tuyệt vọng!
Huyện Yên Phong có 6 xã ven đê là Hòa Tiến, Tam Giang, Đông Tiến, Yên Trung, Dũng Liệt, Tam Đa, thì toàn bộ diện tích đất bãi ven đê đều thiệt hại nặng nề do cơn bão số 6 gây ra.
Người nông dân có khuôn mặt “buồn như đưa đám” đầu tiên mà tôi gặp là anh Nguyễn Xuân Thủy, 35 tuổi, thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến. Chỉ tay vào hồ cá rộng 3 mẫu phía ngoài đê sông Cầu, anh Thủy mếu máo: “Thế là trăm triệu đồng đổ hết xuống sông rồi anh ạ!”.
Anh cho biết, trong đợt bão số 5, nước sông Cầu dâng cao ngập bờ 1 m, gia đình đã căng lưới cao chắn không cho cá thoát ra ngoài nên thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, trong cơn bão số 6, mực nước sông Cầu dâng lên với độ cao kinh hoàng, ngập bờ 2 m nên mọi nỗ lực khắc phục thiệt hại gần như vô nghĩa.
Anh Nguyễn Xuân Thủy đau xót khi toàn bộ hồ cá diện tích 3 mẫu của gia đình bị ngập trong biển nước
Buồn hơn khi lứa cá trong hồ của anh Thủy đã đến kỳ thu hoạch. Trọng lượng trung bình của cá trắm cỏ đạt khoảng 2 kg; mè 3 kg, trôi 1,5 kg. Tổng khối lượng ước khoảng 5 tấn cá, quy ra tiền mặt không dưới 130 triệu đồng. Hỏi lượng cá trong hồ còn khoảng bao nhiêu, người chủ không trả lời, chỉ lắc đầu liên tục.
Trong danh sách những người “khuynh gia bại sản” vì bão ở dải đất bãi ven đê sông Cầu, không thể không nhắc tới gia đình chị Ngô Thị Hương, 43 tuổi, ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong. Để có tiền đầu tư cho trang trại VAC rộng khoảng 5 mẫu, gia đình chị Hương đã phải bán cả căn nhà của mình ở quê với giá 400 triệu đồng, vay mượn thêm ngân hàng, bạn bè, anh em hàng trăm triệu đồng. Nhưng giờ thành người tay trắng.
Diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình chị Hương rộng 3 mẫu, ngăn làm 4 ao. Ao thứ nhất nuôi cá trắm và mè, hiện đã đến kỳ thu hoạch. Ao thứ 2 nuôi cá nhỡ, ao thứ 3 nuôi cá giống. Diện tích còn lại được sử dụng để thực nghiệm mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm do Chi cục Lâm nghiệp Bắc Ninh hỗ trợ 15 triệu tiền giống bây giờ bị nước lũ sông Cầu cuốn trôi hết. Hơn 1.000 cây chuối đang ở thời kỳ ra buồng, 40 cây mít, 60 cây ổi sai quả đều chết trong ngập úng kéo dài. Khu ruộng ớt rộng khoảng 1 mẫu của gia đình cũng tan nát trước sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên. Theo bà Hương, cơn bão số 6 đã cướp mất của gia đình khoảng 200 triệu đồng.
Nghe tin có hàng trăm ha ao hồ bị nước ngập tràn bờ, rất đông thợ săn cá ở Bắc Giang đã đem lưới, máy kích điện chèo thuyền vượt sông Cầu sang đây “hôi của”, số lượng cá thu được chất đầy thuyền nhỏ.
Đến chiều ngày 12/8, mực nước dọc bãi đất ngoài đê sông Cầu vẫn ở mức rất cao, khiến toàn bộ ao hồ nuôi trồng thủy sản đều ngập bờ
Trên đất bãi ngoài đê sông Cầu, nhiều nông dân ở xã Tam Giang đã bỏ ra bao nhiêu mồ hôi và tiền bạc để cải tạo đất trồng lúa, rau màu nhưng đều mất trắng. Ví như gia đình anh Ngô Văn Hà ở thôn Phương La Đông, bị ngập 1.000 cây đu đủ, phải bơi thuyền hái vội quả non bán buôn cho thương lái được 2 triệu đồng. Hay gia đình anh Ngô Xuân Toàn, thôn Vọng Nguyệt ngập hơn 2 mẫu lúa và hồ cá rộng 1 mẫu…
Nỗi buồn bao trùm lên xóm nghèo ven đê thật thê thảm. Nhiều hộ gia đình xây chuồng trại, nuôi vịt đẻ ngoài đê với số lượng vài ngàn con, nay nước dâng ngập tận mái nhà, chủ trại đành lùa vịt vào trong đê, nhốt vào nhà bếp, thậm chí sàn nhà ở, do môi trường sống thay đổi nên tỷ lệ đẻ trứng rất thấp. Bi đát như gia đình anh Ngô Xuân Toàn còn phải bê lợn lên phản của gian nhà tạm ngoài bãi sông Cầu để tránh ngạt nước. Theo những người dân nơi đây, từ trận lụt lịch sử năm 1997 thì đây là lần đầu tiên nước sông Cầu dâng cao đến vậy.
Ông Lê Đắc Khanh, Phó chủ tịch xã Tam Giang cho biết: Ở vùng đất bãi ngoài đê sông Cầu của xã Tam Giang có khoảng 50,4 ha lúa trà mùa muộn. Theo kế hoạch, toàn bộ 30 ha ở vàn cao phải cấy xong trước ngày 5/8. Cơn bão số 5 và số 6 đã gây ngập và mất trắng diện tích trên. Còn diện tích lúa ở đồng trũng, chúng tôi chỉ đạo cấy sau ngày 15/8 nên dân chưa cấy. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 4 ha, trước khi vào mùa mưa bão chúng tôi đã khuyến cáo nhân dân nên thu hoạch ngay, nhưng nhiều hộ không thực hiện, gây tổn thất nặng nề. Ngoài ra, 8 ha hoa màu cũng bị chìm sâu trong nước. Tổng thiệt hại ước tính là 1,8 tỉ đồng.
Theo ông Chương Văn Vượng, Phó chủ tịch xã Đông Tiến, toàn bộ tiện tích 3.600 m2 nuôi thủy sản, 135 ha lúa, 10 mẫu rau màu cũng bị ngập úng.
Bà Đào Thị Vân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Phong, cho biết: Cơn bão số 6 gây mưa lớn khiến 700 ha lúa ở khu vực trong đê bị ngập úng trong 2 ngày (mùng 9 và 10/8). Mực nước sông Cầu vẫn ở mức rất cao, khả năng rút chậm do đầu nguồn và khu vực nội đồng bơm ra một lượng nước tiêu lớn.
Tin liên quan
- Đại hội VI Hội Nông dân VN: Trăn trở từ nông dân (17-10-2015)
- Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam cần bao nhiêu casino? (17-10-2015)
- Từ 16/8, vùng núi phía Bắc và Đông Bắc có mưa to (17-10-2015)
- Hà Nội mở đường dây nóng cho du khách bị "chém" (17-10-2015)
- Chân dung nông dân Việt thời hội nhập với 5 cái nhất (17-10-2015)
Tin xem nhiều
- Bệnh tuyến trùng trên cây cà phê (27-09-2017)
- Dùng ximăng làm phân bón lúa (14-01-2016)
- TÂY NGUYÊN: Nông dân lao đao với phân bón giả (28-09-2017)
- Các thuật ngữ trên bao bì phân bón (15-09-2017)
- Hướng dẫn sử dụng DAP Đình Vũ cho cây chuối (26-01-2016)
Tin mới
- Phân bón hữu cơ VBM 20 (26-12-2022)
- NEB 26 HOA KỲ (29-04-2022)
- Phân bón hữu cơ VBM 3 trong 1 (29-04-2022)
- Nông sản Việt trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ (23-01-2019)
- Phân bón hữu cơ là gì? 10 Ưu điểm của phân bón hữu cơ so với phân bón thông thường (28-03-2018)
Video nhà nông
Thống kê truy cập