Thị trường phân bón: Cạnh tranh gay gắt giành "miếng bánh"

Ngày đăng: 26-01-2016 | Khoảng 10 năm trước | 9:03 AM | 19884 Lượt xem

Chiếm 25,6% diện tích đất nông nghiệp cả nước và là nơi tập trung nhiều cây công nghiệp chủ lực, vùng Đông Nam Bộ trở thành thị trường cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp phân bón.

Cuộc đua về thị phần

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), khu vực Đông Nam Bộ (ĐNB) chủ yếu tập trung sản xuất, trồng trọt các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… Đây cũng là những loại cây trồng “ngốn” một lượng urê khá lớn, với mức tiêu thụ hàng năm dự kiến khoảng 400.000 - 420.000 tấn, chiếm 25% nhu cầu urê cả nước. Vì vậy, ĐNB cũng là nơi các doanh nghiệp (DN) phân bón cạnh tranh gay gắt.
Theo khảo sát của phóng viên NTNN, đứng đầu thị phần ĐNB hiện nay là Đạm Phú Mỹ (sản phẩm của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí -PVFCCo) với thị phần khoảng 70%. Cũng cạnh tranh không kém để giành thị phần urê khu vực ĐNB là Công ty Đạm Cà Mau (PVCFC), theo đó năm 2012, thị phần của Đạm Cà Mau mới đạt 10% nhưng đến nay đã tăng lên hơn 25%.

Về thị phần NPK, chiếm “miếng bánh” lớn nhất ở khu vực ĐNB là Công ty Phân bón Bình Điền với khoảng trên 60% thị phần (chiếm 40% thị phần cả nước); kế đến là các doanh nghiệp phân bón khác như Công ty Phân bón Miền Nam, PVFCCo, Công ty Phân bón Việt Nhật, Công ty phân bón Yara...

Đánh giá về khả năng phân phối các loại phân bón chủ lực khu vực ĐNB, ông Trần Thanh Tùng - chủ đại lý phân bón và vật tư nông nghiệp Vân Tùng (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết, cửa hàng ông chỉ phân phối các mặt hàng có thương hiệu như Đạm Phú Mỹ, Đầu Trâu (Bình Điền), Đạm Cà Mau (sản phẩm Hạt ngọc mùa vàng)...

“Những sản phẩm này đã được bà con nông dân tin dùng trong thời gian qua do giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo hơn so với các sản phẩm cùng loại. Nhiều sản phẩm khác sẵn sàng chi chiết khấu cao, thậm chí gối đầu sản phẩm để chúng tôi nhận hàng bán cho họ nhưng lo ngại chất lượng sản phẩm không tốt, thiệt hại cho người nông dân, gây mất uy tín nên chúng tôi không nhận” – ông Tùng giải thích.

Nâng chất lượng sản phẩm

Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp phân bón luôn đề ra các chiến lược phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thị phần.

Đại diện PVFCCo cho biết, công ty đã khởi công xây dựng nhà máy NPK Phú Mỹ theo công nghệ hóa học, với nhiều công thức NPK mới phù hợp với thổ nhưỡng, cây trồng… của từng khu vực, thường xuyên tổ chức các hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, trao tặng phân bón cho nông dân.

Trong khi đó, PVCFC cũng rất tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống - phân bón - chế biến - dịch vụ; đầu tư nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm mới như: Phân hữu cơ vi sinh, phân bón phức hợp,…

Về phía thị trường NPK, Công ty Phân bón Bình Điền còn có hẳn một hội đồng cố vấn khoa học kỹ thuật là các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về nông nghiệp. Đồng thời, công ty cũng có quan hệ chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học để từ đó nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất hay nắm bắt được các nhu cầu để cho ra đời những sản phẩm mới phù hợp hơn.

Điển hình là gần đây, Công ty Phân bón Bình Điền đã tung ra thị trường các dòng sản phẩm bổ sung các hoạt chất giúp hạn chế thất thoát đạm, lân như: Đầu Trâu tăng trưởng; Đầu Trâu chắc hạt, NPK 16-16-8+TE, NPK 16-16-8-6S+TE; Đầu Trâu Hồ tiêu KD… giúp cây trồng dễ hấp thụ dinh dưỡng, giúp nông dân tiết kiệm phân bón, giảm chi phí đầu tư.

Dân Việt

 Chia sẻ