|
Anh Thuận (phải) giới thiệu vườn đinh lăng của gia đình |
Là loài cây dễ sống, ít sâu bệnh nên từ lâu đinh lăng đã được xác định là cây trồng chủ lực của một số xã trong huyện Hải Hậu. Nhờ mô hình trồng cây dược liệu này mà nhiều gia đình ven biển đã có của ăn của để, xây cất nhà cao cửa rộng, khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ…
Nhận thấy mô hình trồng cây đinh lăng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình nên ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, anh Thuận đã khăn gói trở về quê lập nghiệp.
Anh Thuận cho biết: Thời gian đầu, anh ở nhà phụ giúp cha mẹ chăm sóc mấy sào đinh lăng. Trong thời gian gắn bó, làm bạn với đinh lăng anh dần hiểu được đặc tính của loài này, phát triển tốt, dễ sống, ít sâu bệnh… Anh đã quyết định bàn bạc với gia đình mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng.
“Thời điểm năm 2013, tôi thấy giá bán đinh lăng cũng khá cao, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình nên tôi đã bàn bạc với bố mẹ trồng thêm gần 2ha”, anh Thuận chia sẻ.
Sau khi có đất trồng, anh Thuận thuê công nhân làm vườn, kéo vồng, mua giống… Do có kinh nghiệm chăm sóc đinh lăng từ trước nên sau một thời gian ngắn cây phát triển rất tốt, ít sâu bệnh.
Đến nay, sau 4 năm anh Thuận đã có trong tay vườn đinh lăng lớn, rộng bát ngát và xanh mướt. “Đến thời điểm này, có thể nói gia đình tôi là một trong những hộ có diện tích trồng đinh lăng với quy mô lớn và rộng nhất xã”, anh Thuận bật mí.
Theo anh Thuận, đinh lăng là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công sức chăm sóc như những cây trồng khác. Trước khi trồng phải làm vồng cao khoảng 50cm so với mặt đất để tránh bị ngập úng khi trời đổ mưa và phải trồng bằng đất thịt, không nên trồng bằng đất cát. Khoảng cách giữa các cây trong hàng là 50cm, để khi cây phát triển sẽ không chằng chịt vào nhau.
Để giảm bớt sức lao động, anh Thuận đã đầu tư và lắp đặt hệ thống phun nước tự động ở xung quanh vườn. Mỗi ngày anh chỉ tưới với lượng nước rất ít, bởi đặc tính của cây dược liệu này là không ưa nước nhiều.
|
Vườn cây đinh lăng nhà anh Thuận rộng bát ngát |
Với hơn 2ha đất, anh chia làm 3 mảnh, trồng và thu hoạch theo kiểu “cuốn chiếu” để năm nào cũng có đinh lăng tiêu thụ ra thị trường. Theo anh Thuận, đinh lăng được gia đình bán cho các thương lái, sau đó thương lái sẽ bán lại cho Cty CP Traphaco.
Hiện tại, gốc và lễ đinh lăng được bán với giá 25 nghìn đồng/kg, lá đinh lăng khô được bán với giá 10 nghìn đồng/kg còn cây giống được bán với giá từ 30 – 35 nghìn đồng/kg. Theo tính toán của anh Thuận, với hơn 2ha trồng cây đinh lăng, mỗi năm gia đình anh thu nhập gần 1 tỷ đồng. Đây là “trái ngọt”cho những nỗ lực của anh. “Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy vui khi thấy hướng đi của mình là đúng đắn. Với mô hình trồng cây đinh lăng, mỗi năm gia đình tôi trừ chi phí sản xuất, còn thu lãi 800 triệu, một số tiền không hề nhỏ”, anh Thuận vui mừng.
Với mô hình trồng cây đinh lăng quy mô lớn, gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động ổn định với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. |