TRUNG VI LƯỢNG VỚI CÂY TRỒNG

Ngày đăng: 01-11-2017 | Khoảng 8 năm trước | 1:59 PM | 10332 Lượt xem

TRUNG VI LƯỢNG VỚI CÂY TRỒNG

TS. Nguyễn Xuân Trường

 

Cây trồng cũng như tất cả các thể sống bình thường khác đều cần thức ăn cho sự sinh trưởng, phát triển. Nếu như con người và động vật chủ yếu sống bằng thức ăn từ nguồn hữu cơ (từ sản phẩm của động vật hoặc thực vật) thì cây trồng chủ yếu sống được bằng chất vô cơ. Cây trồng sinh trưởng, phát triển được là nhờ hút các chất dinh dưỡng khoáng đa lượng (đạm, lân, kali), trung lượng (canxi, magiê, lưu huỳnh) và vi lượng (Kẽm, sắt, đồng, mangan, bo, molypđen, clo, silic…).

Trước đây, khi trình độ canh tác còn lạc hậu, năng suất cây trồng thấp thì các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng là yếu tố chính hạn chế năng suất cây trồng. Ở nước ta trong vài thập kỷ qua, phân đạm, lân và kali đã đóng góp vai trò to lớn trong việc tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, khi nông dân đã sử dụng đầy đủ và cân đối đạm, lân, kali thì các nguyên tố trung lượng, vi lượng lại là những yếu tố hạn chế năng suất cây trồng. Sở dĩ có điều này là do trước đây năng suất cây trồng thấp, cây sử dụng ít các chất trung, vi lượng, mặt khác do trong đất còn có một lượng dự trữ đáng kể các chất này. Tuy nhiên khi năng suất cây trồng cao, cây sử dụng ngày càng nhiều trung vi lượng hơn nhưng do không được bón bổ sung nên trong đất ngày càng cạn kiệt và dẫn đến thiếu hụt, năng suất cây trồng không thể tăng lên mà còn giảm đi mặc dù lượng bón phân đạm, lân và kali ngày càng tăng. Hiện nay, tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng trung và vi lượng diễn ra ở hầu hết các loại cây ở nước ta như lúa, cà phê, điều, tiêu, mía, đậu phộng, cây có múi, xoài, chanh dây, mãng cầu, dưa hấu, ớt, rau màu, hoa, cây cảnh… và diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước

Kết nghiên cứu về đất ở nước ta do tổ chức FANIDAP/FINIDA thực hiện năm 1992 cho thấy: trong 122 mẫu đất nghiên cứu thuộc nhiều vùng khác nhau đa số là thiếu trung, vi lượng, trong đó 72% thiếu canxi, 48% thiếu magiê, 78% thiếu Bo (bảng 1). Riêng sắt rất ít thiếu do đất của nước ta đa phần là chua, phèn. Các loại đất thường thiếu các trung, vi lượng là đất cát, đất xám, đất đỏ vàng, đất đỏ bazan. 

Đất Việt Nam hầu hết là chua, nghèo hữu cơ và dinh dưỡng (kể cả đa, trung và vi lượng). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất và chất lượng cây trồng thấp. Trong thực tế, chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy triệu chứng thiếu hụt canxi, magiê, kẽm và boron trên cây có múi, cây cà phê, hồ tiêu; Thiếu canxi, bo và silic trên cây hồ tiêu, đậu phộng, mãng cầu, mía…

Kết quả nghiên cứu về canxi, magiê và lưu huỳnh trên đất xám của tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường từ 1997-2002 cho thấy canxi, magiê và lưu huỳnh đều làm tăng năng suất lúa ở cả hai vụ đông xuân và hè thu trên đất xám. Tương quan giữa canxi, magiê và lưu huỳnh với năng suất lúa khá chặt. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy canxi, magiê và lưu huỳnh đều làm tăng chất lượng lúa, thể hiện bằng các chỉ tiêu như độ bạc bụng, tỷ lệ gạo nguyên, hàm lượng protein và các amino axit.

Silic là một chất dinh dưỡng khoáng rất cần thiết cho cây trồng. Trong đất tuy có một lượng khá lớn silic, nhưng chúng lại ở dạng cây không hấp thu được nên cây vẫn bị thiếu silic, cây yếu, dễ bị đổ ngã và năng suất cây trồng không cao. Vài năm gần đây, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã ứng dụng silic trong trồng trọt khá thành công. Nhiều loại phân bón silic như SILICON 23 hay Silica hoặc phân bón có bổ sung silic đã giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao năng suất và chất lượng. SILICON 23 là có chứa một lượng đáng kể silic ở dạng axit nên rất dễ tiêu cho cây, ngoài ra còn có các thành phần trung lượng như canxi, magiê và các chất vi lượng khác nên rất thích hợp cho cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, mía, lúa và rau màu trên các vùng đất xám Đông Nam Bộ, Tây nguyên, Tây Nam Bộ và miền Trung.

 

Bảng 1: Dinh dưỡng Trung, vi lượng ở đất Việt Nam

Chất dinh dưỡng

Tỷ lệ số mẫu thiếu

Canxi (ca)

72%

Magiê (Mg)

48%

Lưu huỳnh (S)

37%

Kẽm (Zn)

11%

Sắt (Fe)

4%

Đồng (Cu)

17%

Mangan (Mn)

11%

Bo (B)

78%

Molypđen (Mo)

48%

Nguồn: FANIDAP/FINNIDA, 1992

 

Việc sử dụng các loại phân bón trung vi lượng là rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tăng năng suất cây trồng và tăng chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nông. Trong thực tế sản xuất, bà con có thể sử dụng theo hướng dẫn tổng quát sau:

Để ngăn ngừa và chữa trị tình trạng thiếu trung vi lượng gây ra, bà con cóa thể sử dụng phân bón trung vi lượng tổng hợp như: Vi lượng đặc hiệu THT 25+; vi lượng vàng (Nutricomplex-A); Silicon 23 hoặc sử dụng vi lượng kết hợp với Amino acid như NaturBor, naturCal; Boron Amino hoặc vi lượng đơn.

Canxi: bón lót vôi hay thạch cao và/hoặc sử dụng các loại phân lân có hàm lượng can xi cao như vi lượng đặc hiệu THT 25+ hoặc vi lượng vàng. Khi cây đang phát triển mạnh, đặc biệt là lúa sau trỗ, cây đang mang trái, đậu phộng sau khi đâm tia, cần sử dụng phân bón lá có hàm lượng canxi cao và dễ hấp thu như NaturCal hay vi lượng đặc hiệu THT 25+. Khi cây bị thiếu can xi (mép lá già vàng dần, lá mỏng, cây yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh, thối trái, xì mủ, cần bón hay phun ngay các loại phân qua lá có hàm lượng canxi cao để bổ sung kịp thời.

Magiê: bón lót bằng các loại phân lân có magiê cao như vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng, silicon 23… Giai đoạn bón thúc cần sử dụng các loại phân trung vi lượng như: vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng. Khi quan sát thấy cây bị thiếu magiê (lá già vàng nhưng gân lá vẫn xanh) thì bón các loại phân có magiê cao như vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng.

Lưu huỳnh: Để phòng chống thiếu lưu huỳnh cần bón phân đạm SA kết hợp với urea, bón lân supe, vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng.

Silic: Cần bón bổ sung các loại phân có silic ở dạng dễ hấp thu như Silicon 23, vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Bón tro trấu, tro dừa cũng bổ sung một phần silic đáng kể.

Bo: Cây trồng cần bo để hình thành hoa và hạt phấn, tăng khả năng đậu trái và giảm rụng trái non. Các loại cây như lúa, đậu phộng, mãng cầu, hoa cảnh, cây ăn trái và rau màu đều rất cần bo. Khi thiếu bo, số hoa và trái giảm, tỷ lệ rụng trái cao, rau dễ bị hư, năng suất cây trồng thấp. Để bổ sung bo cho cây trồng có thể bón borax vào đất hoặc phun phân NaturBor hoặc Boron Amino qua lá. Hiện nay nông dân nhiều vùng đã sử dụng Naturbor để điều khiển lúa trổ bông đều, bông to, cây ra hoa sớm, ra hoa trái vụ, tăng tỷ lệ đậu trái, giảm rụng trái rất thành công.

Kẽm: Biện pháp sử dụng phân kẽm qua lá là biện pháp cung cấp kẽm cho cây có hiệu quả hiện nay. Khi sử dụng chúng ta cần lưu ý hàm lượng kẽm trong từng loại phân để chọn được loại phân thích hợp nhất. Một số phân bón gốc hiện nay cũng được bán rộng rãi trên thị trường như vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng, Silicon 23…

Đồng: Đồng rất quan trọng đối với cây trồng. Khi thiếu đồng, cây dễ bị nấm bệnh tấn công làm giảm năng suất cây trồng. Các loại phân đồng như sunfat đồng (đồng xanh) hay các loại phân bón lá có bổ sung đồng hiện trên thị trường bán khá nhiều như vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng, bà con nông dân có thể mua về sử dụng. Giai đoạn cần phân đồng là cây con khi mới nảy mầm, phát rễ hoặc giai đoạn bung đọt với các cây lâu năm.

Các loại vi lượng khác như sắt, mangan tuy chưa thấy biểu hiện thiếu nhiều như các trung vi lượng đã trình bày ở trên. Tuy vậy khi thiếu hụt, có thể sử dụng các loại phân như sufat sắt, sunfat mangan hay các loại phân bón lá có các thành phần này để bổ sung. Riêng molypđen là loại phân bón rất đắt và trên thị trường các tỉnh rất ít có loại phân này nên bà con có thể sử dụng các loại phân bón lá có thành phần molypđen để bổ sung. Đậu phộng và các loại cây họ đậu, các loại rau rất cần molypđen.

Bảng 2: Một số loại phân bón Trung, vi lượng

Tên phân và công thức

Hàm lượng dinh dưỡng chính (*)

Cách sử dụng

Vi lượng đặc hiệu THT 25+

9% MgO; 1% CaO; 5%S; 1% SiO2; 4,5% Zn; 2%Cu; 2%B; 0,15%Mn; 0,15% Fe.

Bón gốc, phun qua lá

Vi lượng vàng (Nutricomplex-A)

5% MgO; 2% CaO; 1%S; 2% SiO2; 1000ppm Zn; 500ppm B; 100ppm Cu; 100ppm Mn; 50ppm Fe.

Bón gốc, phun qua lá

Silicon 23

12%SiO2; 15% CaO, 10% MgO

Bón gốc, phun qua lá

Siêu boron (Boron Amino)

9,9% B

 

NaturBor  (phức amono acid và bo)

5% B; 25% Amino acid tổng số

Phun qua lá

NaturCal (phức amono acid và canxi)

6% Cao; 25% Amino acid tổng số

Phun qua lá

Magiê sunfat MgSO4.H2O

17% Mg

Bón gốc hoặc phun lá

Magiê sunfat MgSO4.7H2O

9,7% Mg

Bón gốc hoặc phun lá

Magiê kali sunfat 2MgSO4.K2SO4

5,7% Mg

Bón gốc hoặc phun lá

Magiê nitrat Mg(NO3)2.6H2O

9,5% Mg

Bón gốc hoặc phun lá

Đolomit CaCO3.MgCO3

30% CaO; 21% MgO

Bón gốc

Thạch cao CaSO4.2H2O

32% CaO; 18% S

Bón gốc

NaturCal (phức amino axit và canxi)

6% Ca

Phun  qua lá

Sunfat amôn NH4SO4

24% SO4

Bón gốc

Kẽm sunfat ZnSO4 .7H2O

23% Zn

Bón gốc hoặc phun lá

Phức kẽm EDTA: ZnNa2C10H12N2O8

14% Zn

Phun  qua lá

Sắt sunfat ZnSO4 .7H2O

20% Fe

Bón gốc hoặc phun lá

Phức sắt EDTA: FeNaC10H12O8N2.3H2O

9% Fe

Phun  qua lá

Đồng sunfat CuSO4.5H2O

24% Cu

Bón gốc hoặc phun lá

Phức đồng EDTA: CuNa2C10H12N2O8

13% Cu

Phun  qua lá

Borax Na2B4O7 .10H2O

11% B

Bón gốc hoặc phun lá

NaturBor (Phức hợp Amino axit và Bo)

5% B

Phun  qua lá

Mangan sunfat MnSO4 .4H2O

26% Mn

Bón gốc hoặc phun lá

Phức mangan EDTA: MnNa2C10H12N2O8

13%Mn

Phun  qua lá

Natri môlypđat NaMoO4 .2H2O

39% Mo

Phun  qua lá

Ghi chú: (*) là tính theo phân tiinh khiết. Một số loại phân thương phẩm trên thị trường có độ tinh khiết thấp hơn thì hàm lượng sẽ thấp hơn.

 Chia sẻ
 Từ khóa ,